Xử lý gas lậu: Bắt cóc bỏ dĩa

Do cơ quan chức năng xử lý nhẹ tay nên các trạm chiết gas lậu vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức dư luận và gây nhiều lo lắng cho người tiêu dùng

Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết đang có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công Thương và UBND tỉnh Long An chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh gas tại chi nhánh Minh Phúc (xã Mỹ Yên, huyện Mỹ Yên, tỉnh Long An) thuộc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hà Linh (Công ty Hà Linh).

Vi phạm nhiều lần, chủ cơ sở vô can

Như Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 3-4, Phòng CSĐT Tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Long An phối hợp với Đội QLTT cơ động tỉnh tạm giữ khoảng 1.000bình gas và vỏ bình gas loại 12 kg, 45 kg tại chi nhánh Minh Phúc. Như vậy, từ cuối năm 2011 đến đầu năm 2013 (khoảng 14 tháng), tại địa chỉ trên - với tên gọi khác là chi nhánh Hoàng Linh cũng thuộc Công ty Hà Linh- cơ quan chức năng tỉnh Long An đã 3 lần phát hiện vi phạm.

12-CHOT-1-e50fc[1]

Cơ quan chức năng kiểm kê vỏ bình gas tại chi nhánh Minh Phúc 

Cụ thể, ngày 15-12-2011, trạm này bị phát hiện chiết nạp gas trái phép cùng nhiều vi phạm khác. Sau đó, Công ty Hà Linh bị UBND tỉnh Long An ra quyết định xử phạt hành chính 105 triệu đồng.

Ngày 24-2-2012, Công an tỉnh Long An lại bắt quả tang hành vi đóng niêm màng co giả của các nhãn hiệu gas tại trạm chiết Hoàng Linh. Tuy nhiên, theo Chi hội Gas miền Nam, sau đó, chỉ có tài xế xe bị xử phạt 6 tháng tù vì tội sản xuất hàng giả. Còn chủ trạm chiết, nơi tài xế đem vỏ bình đến mua gas nạp vào, thì đến nay vẫn không bị bất cứ hình thức xử phạt nào.

Khi vụ việc nêu trên vẫn chưa được xử lý rốt ráo (ngày 29-3-2013 mới tuyên án sơ thẩm đối với tài xế) thì ngày 19-1-2013, chi nhánh Hoàng Linh lại bị bắt quả tang vi phạm nhưng sau đó chỉ bị phạt hành chính 50 triệu đồng. Bà Lê Thị Anh Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (gas SP), cho rằng dù không có giấy chứng nhận đủ điều kiện nạp gas vào bình nhưng trạm chiết này vẫn hoạt động. Khi bị bắt, trạm này chỉ bị phạt hành chính chiếu lệ nên tiếp tục sang chiết trái phép, gây bức xúc cho các công ty kinh doanh gas và dư luận.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, không chỉ trạm chiết của Công ty Hà Linh liên tục vi phạm, một số trạm chiết gas lậu vùng giáp ranh khác cũng chực chờ tạo “bom”, đe dọa sự an toàn của người tiêu dùng nếu không được xử lý triệt để.

Tháng 3 vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai cũng bắt quả tang trạm chiết của Công ty TNHH Gas Thái Lan (xã Xuân Tân, thị xã Long Khánh) sang chiết gas trái phép với quy mô lớn và đây cũng là trường hợp tái phạm. Mới đây, khi xử lý vụ chiết gas trái phép tại số 5 Trần Trọng Khiêm, phường Long Bình, quận 9, TP HCM, cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này có dấu hiệu tẩu tán tang vật khi đã được niêm phong.

Phải xử lý cả chuỗi

Theo ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, vụ việc ở chi nhánh Minh Phúc hết sức nghiêm trọng. Tại hiện trường có đầy đủ cả 3 đối tượng vi phạm: bên bán gas, bên mua gas để chiết nạp lậu và bên phân phối. Do đó, nếu lần này không được xử lý nghiêm thì nạn sang chiết gas trái phép khó mà dẹp được.

“Hành vi chiết nạp gas vào chai của các nhãn hiệu gas khác là cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn xã hội và người tiêu dùng mà hậu quả không thể lường hết (chai gas không được kiểm tra, kiểm định dẫn đến việc cháy nổ xảy ra bất cứ lúc nào). Hơn nữa, hành vi này còn gây thất thu thuế cho nhà nước, thiệt hại cho những doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính” - ông Loan bức xúc.

Ông Loan kiến nghị muốn xử lý gas giả, gas lậu triệt để thì phải xử lý cả chuỗi cung ứng chứ không thể “chặt khúc” ra xử riêng lẻ. Cụ thể, xử lý trạm chiết thì phải xử lý cả nơi cung cấp nguồn gas bồn và kênh phân phối gas lậu gồm các phương tiện vận chuyển và các đại lý bán. Đối với những công ty đầu mối bán gas bồn cho các trạm sang chiết nạp lậu, không đủ điều kiện cũng cần xử lý triệt để nhằm lành mạnh hóa ngành gas, tránh tình trạng các “ông lớn” tiếp tay cho gas lậu.

Người tiêu dùng gánh rủi ro

Dù gas giả, gas lậu được làm như thế nào thì điểm đến cuối cùng vẫn là bếp của những bà nội trợ. Nhiều người dù nghi ngờ gas dỏm khi thấy sử dụng mau hết (vì thiếu trọng lượng) nhưng do tem, niêm phong đã bị bóc nên không biết kêu ai. Do đó, để tránh rủi ro, người tiêu dùng cần chọn mua gas ở những đại lý uy tín. Khi mới dùng, có thể gọi điện thoại đến các công ty gas để được tư vấn. Ngoài ra, trước khi nhân viên lắp bình gas, người dùng nên kiểm tra chi tiết về niêm phong, tem chống giả, thời hạn kiểm định trên vỏ bình, trọng lượng; yêu cầu bên bán cung cấp hóa đơn hoặc phiếu giao gas để có chứng cứ khi xảy ra tranh chấp về sau.

 Bài và ảnh: NGỌC ÁNH (theo http://nld.com.vn)

Giá đổi gas

TTAGAS loại 4kg 151.000 đ/chai
TTAGAS truyền thống 12kg 473.500 đ/chai
TTAGAS vỏ nhựa cao cấp 12kg 484.500 đ/chai
TTAGAS loại 45kg 1.712.000 đ/chai
TTAGAS loại 50kg 1.903.500 đ/chai
MISSGAS Composite 12kg van đứng 502.000 đ/chai
CPSGAS Composite 12kg van ngang     502.000 đ/chai
Bộ MISSGAS 1.899.000 đ/bộ
Giá trị cược vỏ bình CPS 1.500.000 đ/vỏ
Giá trên chưa bao gồm phí vận chuyển
 (tùy khu vực)

Missgas